Bí mật đằng sau những nhận thức sai lầm

Bi-mat-nhan-thuc

Hàng ngày bạn thường xuyên phải đưa ra những đánh giá, nhận định và cả dự đoán tương lai để có kế hoạch hành động phù hợp. Chẳng hạn như đánh giá về một người, nhận định tình hình kinh tế hay dự đoán giá cả thị trường…. Tôi bị ấn tượng về điều này trong quá trình giao dịch forex – nơi mà các trader như tôi liên tục phải nhận định và dự đoán giá của các cặp tiền tệ. Những dự đoán như vậy được đưa ra đầy trên các mạng xã hội, nhưng thường thì mỗi người sẽ nói một kiểu. Điều đặc biệt là đa số sẽ dự đoán sai! Tại sao lại như vậy và có cách nào để khắc phục không? Có một bí mật mà ít người biết!

Não người chính là bộ máy tái tạo lại thế giới

Có một nhà tu hành từng nói rằng:

Tu được một năm, nhìn thấy núi thì bảo đó là núi.

Tu được hai năm, nhìn thấy núi không phải là núi nữa.

Tu được ba năm thìn thấy núi vẫn là núi nhưng đã khác đi rất nhiều.

Tu được 4 năm, 5 năm …. thì ……

Đố ai biết được núi sẽ thành gì?! 😀

Thế giới thực sự rất khác so với những gì bạn đang nhìn thấy. Tất cả mọi thứ đang tồn tại trên thế gian này chẳng qua đang được biểu thị theo các nguyên tắc vật lý. Thậm chí thế giới này có thể không hề tồn tại! Cả những vì sao và cả thân xác của bạn và tôi cũng vậy. Tất cả chỉ là ảo ảnh! Wow! Vô lý quá phải không? Khi nào có đủ hứng thú tôi sẽ viết một bài riêng về vấn đề này ở trong website này của mình để chia sẻ cùng các bạn.

Những khác biệt nhỏ trong não của mỗi người

Vì cùng là con người, có cấu tạo não bộ cơ bản là giống nhau nên chúng ta thường có cảm nhận giống nhau khi nhìn vào cùng một thứ. Nhưng bạn nên biết rằng, điều đó không có nghĩa là giống hoàn toàn. Mặt khác, trong quá trình trưởng thành và phát triển, mỗi cá nhân dần có những trải nghiệm khác nhau. Chính điều này tạo ra sự sai khác, dù là rất nhỏ, trong cách tổ chức não bộ của từng người. Người ta cũng thường nhìn thấy và ghi nhớ (lưu trữ) các thông tin mà họ quan tâm. Ngược lại, con người thường bị đui mù trước những gì họ không quan tâm.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi vui bạn sẽ thấy cảnh vật xung quanh tươi sáng hơn, đẹp hơn. Khi buồn bạn sẽ thấy cảnh vật cũng khác đi. Biển của đôi tình nhân lãng mạn đang yêu cũng khác so với biển của một người chết đuối hụt!

Khi đi tham quan một viện bảo tàng cổ vật thì cảnh vật trong đó trông sẽ rất khác giữa một nhà khảo cổ học so với một kỹ sư tin học. Đơn giản vì nhà khảo cổ học nhìn thấy nhiều thông tin hơn từ các cổ vật so với người khác. Thậm chí một số người sẽ nhìn thấy rất rõ một vật nào đó, còn một số người sẽ hoàn toàn không nhìn thấy vật ấy, mặc dù ánh mắt của tất cả mọi người đều lướt qua nó. Điều này là do khả năng nhận thức về sự vật và sự quan tâm chú ý về một điều gì đó của mỗi người là khác nhau. Nhưng trớ trêu là ai cũng nghĩ rằng những người khác đều thấy những thứ giống như mình thấy!

Đối với một người bình thường thì hòn đá hay thiên thạch chẳng có gì khác nhau, vì họ không phân biệt được nên họ không để ý. Đối với một nhà khoa học thì giá trị và ý nghĩa của nó lại hoàn toàn khác.

Sự khác biệt lớn trong não người và một số loài động vật

Não người và não của các động vật khác đương nhiên khác nhau rất nhiều. Ví dụ, do cấu tạo mắt của loài bò không có tế bào cảm nhận màu sắc nên đối với chúng, cảnh vật xung quanh chỉ có mầu đen và trắng. Wow! Thế giới đối với loài bò thật là buồn! Nhưng ngay cả giữa con người với nhau cũng có cảm nhận màu sắc ở mức độ khác nhau. Mắt của một số họa sĩ tài ba có nhiều hơn các tế bào hình nón nên họ cảm nhận được nhiều giải tần màu sắc hơn.

Ngoài ra, ngay cả cách mà các đồ vật chuyển động trong mắt của một số loài động vật nhìn cũng khác chứ không giống như chúng ta đang nhìn cái ô tô đang chạy. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra, một số người bị tai nạn gây hỏng chức năng nhận thức chuyển động cũng sẽ chỉ nhìn thấy các đồ vật chuyển động theo kiểu giật cục!

Thế giới của chúng ta là khác nhau

khac-biet-trong-nao-cua-moi-nguoi

Thế giới khách quan thì luôn tồn tại và hiện hữu ở ngoài kia. Dù bạn có nhìn thấy sóng điện từ, các hạt hạ nguyên tử, các thiên hà… hay không thì nó cũng vẫn đang tồn tại.

Trong thế giới của loài giun đất thì sẽ không có ánh sáng và âm thanh, vì chúng không có mắt và tai. Bạn và tôi và tất cả chúng ta đều có sự sai khác về tổ chức não bộ (dù là rất nhỏ) và những trải nghiệm cá nhân nên thế giới được tái tạo lại trong não chúng ta là khác nhau. Hay nói cách khác, thế giới của bạn và tôi và mọi người là khác nhau.

Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống xung quanh khác nhau. Khả năng nhận thức, đánh giá, nhận định tình hình, dự đoán tương lai…. cũng khác nhau.

Như vậy chỉ một phần rất nhỏ của các sự vật hiện tượng được tái tạo lại trong não của mỗi người. Điều đặc biệt là nó được tái tạo khác nhau giữa những cá nhân khác nhau.

Sự khác biệt được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày

Tôi thấy sự khác biệt cũng được biểu hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, hàng xóm cũ của tôi là một anh chàng thông minh đẹp trai, mạnh mẽ, kiêm trùm xã hội đen, nhưng lại toàn lấy những bà vợ vừa già, vừa xấu. Anh ấy đối xử rất tốt với mọi người xung quanh, với cả vợ của mình, nhưng lại toàn gặp phải những bà vợ không biết điều. Anh ta thường bị vợ bắt nạt và đã từng ly hôn nhiều lần. Tôi và tất cả mọi người cũng đều bó tay không lý giải nổi. Nhưng có một điều chắc chắn, thế giới của tôi và của anh ấy là khác nhau nên cách chọn lựa của anh ta cũng khác tôi.

Một ví dụ khác như cách ứng xử của mọi người với tiền bạc, với uy tín, danh dự, hạnh phúc… cũng khác nhau. Có người lấy tiền bạc làm mục tiêu phấn đấu. Nhưng có người lại chỉ coi tiền là công cụ và hướng tới hạnh phúc đích thực. Có người sống rất giản dị và tiết kiệm, nhưng có người lại tiêu sài hoang phí. Tất cả là do cách mà thế giới được tái tạo lại trong não của mỗi người là khác nhau nên họ nhận thức và ứng xử khác nhau.

Làm cách nào để hạn chế những sai lầm?

Sua-chua-sai-lam

Phần trên chúng ta đã thấy, nếu đứng ở góc độ chủ quan của mỗi người mà nhìn nhận thì sẽ có nhiều kết quả khác nhau, vì mỗi người chỉ nhìn thấy một góc của vấn đề. Người nào nhìn thấy nhiều hơn thì sẽ có khả năng nhận định chính xác hơn. Điều đáng tiếc là mặc dù chỉ nhìn thấy một góc của các sự vật hiện tượng nhưng hầu hết mọi người, kể cả các chuyên gia lại cứ nghĩ rằng đó là toàn bộ sự vật. Họ chỉ nhìn thấy cái trần nhà mà lại cứ nghĩ đó là bầu trời! Điều này khiến cho con người thường tự tin thái quá. Sự sai lầm kết hợp với tự tin thái quá sẽ dẫn đến những kết cục thảm hại! Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong lĩnh vực đầu tư forex mà tôi đã trải nghiệm.

Đừng quá kỳ vọng vào sự đúng đắn tuyệt đối

Điều quan trọng cần phải hiểu là chúng ta thường không có đầy đủ thông tin về một sự vật nào đó. Do đó các sự vật hiện tượng thường bị thay đổi mỗi khi chúng ta có thêm các thông tin hay góc nhìn khác nhau về nó.

Ví dụ điển hình như nhận thức về vũ trụ của loài người liên tục thay đổi. Từ vũ trụ theo quan niệm của các tôn giáo với các vị thần cai trị đã bị thay đổi khi khoa học phát triển và mọi người hiểu về vũ trụ theo nhận thức của Newton. Rồi một thời gian ngắn sau, vũ trụ lại bị thay đổi theo nhận thức của Einstein. Và giờ đây khi ngày càng phát hiện ra những bản chất mới từ các lý thuyết vật lý lượng tử, lý thuyết dây…. thì nhận thức về vũ trụ của loài người cũng liên tục thay đổi theo.

Nhìn vào bản chất chứ không nhìn vào hình tướng bên ngoài

Khi đánh giá một sự vật, hiện tượng nào đó chúng ta thường nhìn vào bề ngoài của nó. Nhưng cái hình tướng bên ngoài chỉ là sự biểu hiện do cái bản chất bên trong tạo ra. Đôi khi nó biểu hiện sai lệch, nhưng trong đa số các trường hợp bạn không có góc nhìn chuẩn và toàn diện, do đó thường có những nhận định và đánh giá sai lầm.

Tôi có thói quen là luôn nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều hình dạng khác nhau. Đôi khi bỏ qua hình tướng bên ngoài và nhìn thẳng vào bản chất của nó. Một trong những ví dụ như vậy được tôi đề cập trong bài: Thị trường forex là một con quái vật khổng lồ.

Nhìn vấn đề ở góc độ khách quan

Có một cách khách quan hơn, đó là tập hợp tổng các góc nhìn của nhiều người lại và dùng các con số thống kê để đánh giá.

Chẳng hạn, nếu bạn xây một căn nhà và dự tính tổng chi phí xây dựng. Sau khi xây dựng xong và tổng kết lại thì thường là chi phí sẽ lớn hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Vì vậy, thay vì chỉ liệt kê các hạng mục và tự tính tổng chi phí từng phần, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của nhiều người đã từng xây căn nhà tương tự như bạn. Ngoài ra còn tham khảo cả bên thiết kế và thi công căn nhà đó….

Đối với việc dự đoán giá cả thị trường forex như chúng tôi đang làm. Đôi khi các trader thường nghĩ với những thông tin và mô hình mình đang có thì giá sẽ phải di chuyển như thế này như thế kia…. Điều đó là hoàn toàn sai lầm! Thị trường sẽ không đi theo ý muốn của bạn, mà đi theo cách của nó. Với một mô hình dự đoán, dù nó có đẹp đến đâu thì hãy chừa cho nó một xác suất sai nhất định. Muốn biết xác suất sai đó là bao nhiêu, hãy thống kê lại các kết quả trước đây của bạn và lấy số trung bình. Đừng bao giờ quá tự tin vào dự đoán của mình nhé, vì mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Bỏ qua lợi ích cá nhân và lợi ích phe nhóm, dân tộc.

Trên thực tế, sự đúng – sai, tốt – xấu hay đẹp – xấu đều bị chi phối bởi lợi ích (bao gồm cả tình cảm và cảm xúc cá nhân). Trong đó có cả những lợi ích chung, lợi ích riêng; những lợi ích cao thượng và cả những lợi ích tầm thường vị kỷ; những lợi ích bề nổi có thể dễ nhàng nhìn thấy và cả những lợi ích nằm ẩn ở tầng sâu xa nhất của con người.

Nếu gạt bỏ đi lợi ích thì sẽ không còn đúng sai, tốt xấu hay đẹp xấu nữa. Mọi vật chỉ là tập hợp hỗn độn của những hạt quark, hạt electron, notron, proton…. Tất cả mọi thứ đều chỉ đang diễn ra theo cách thức mà nó buộc phải diễn ra theo quy luật của tự nhiên hay của xã hội. Khi đó con người sẽ bớt nặng nề về các quan điểm cá nhân, bớt chỉ chích, bớt sân si ngu muội. Đứng ở góc độ như vậy, chúng ta sẽ nhận định tình hình đúng đắn hơn và đưa ra được những quyết định sáng suốt hơn và biết mình cần phải làm gì cho phù hợp nhất.

Kết luận:

Não người chính là bộ máy tái tạo lại thế giới. Sự khác nhau về nhận thức giữa các cá nhân là do sự tái tạo ở mỗi người là khác nhau. Cách mà não bộ tái tạo phụ thuộc nhiều vào nền tảng vật lý mà mỗi bộ não được cấu tạo, phụ thuộc vào ký ức, kinh nghiệm đã trải qua của mỗi người và đặc biệt đừng bao giờ quên là nó còn phụ thuộc vào lợi ích cá nhân, phe nhóm, dân tộc. Chúng ta hầu như không nhận thức được trọn vẹn các sự vật hiện tượng ở xung quanh mình. Do đó, con người không thể tránh khỏi những sai lầm. Chúng ta chỉ có thể khắc phục được phần nào nhờ cách tư duy và các phương pháp đúng đắn.


Bạn vừa đọc bài viết: “Bí mật đằng sau những nhận thức sai lầm“.

Tác giả: Phạm Khương

Facebook: Phạm Khương

Tìm hiểu thêm về tác giả tại đây.

Đừng quên chia sẻ bài viết này bạn nhé
fb-share-icon

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial