Phân tích cơ bản trong forex là gì? Hướng dẫn chi tiết.

Phan-tich-co-ban-trong-forex

Phân tích cơ bản (PTCB) là một trong hai phương pháp phân tích thị trường forex, bên cạnh Phân tích kỹ thuật. Thậm chí hai phương pháp trên còn là hai trường phái phân tích, 2 cách chơi forex, bởi có rất nhiều nhà đầu tư chỉ sử dụng một trong hai phương pháp trên để đưa ra quyết định giao dịch. Vậy Phân tích cơ bản trong forex là gì? Phương pháp phân tích như thế nào? Tất cả sẽ được hướng dẫn chi tiết trong bài viết này.

Phân tích cơ bản trong thị trường forex

Khái niệm

Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) thị trường tài chính nói chung là dựa trên những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến thị trường và giá của một loại hàng hóa nào đó. Mục đích của Phân tích cơ bản là xác định giá trị nội tạisuy đoán sự thay đổi của giá cả hàng hóa trong tương lai. Phương pháp này đối lập với Phân tích kỹ thuật ở chỗ: Phân tích kỹ thuật sử dụng các yếu tố “ngọn”, tức là sử dụng diễn biến của giá trong quá khứ để dự đoán giá trong tương lai. Còn Phân tích cơ bản thì sử dụng những yếu tố “gốc” – những nguyên nhân đằng sau dẫn đến sự thay đổi của giá.

Phân tích cơ bản thường được sử dụng trong thị trường forex và chứng khoán. Tuy nhiên, trong thị trường forex thì mục tiêu chủ yếu của PTCB là nhằm dự đoán sự thay đổi của giá cả các cặp tiền tệ. Còn trong thị trường chứng khoán thì nó thường có hai nhiệm vụ song song là vừa xác định giá trị nội tại của cổ phiếu, vừa dự đoán sự thay đổi của giá trong tương lai.

Phân tích cơ bản trong thị trường forex chủ yếu xoay quanh các đồng tiền chính như USD, EUR, JPY, GBP, đặc biệt là đồng đô la Mỹ, vì nó có tỷ trọng giao dịch cực lớn trên thị trường tiền tệ. Vì vậy, các thông tin liên quan và ảnh hưởng đến thị trường forex cũng chủ yếu xoay quanh các vấn đề kinh tế và chính trị của các quốc gia phát hành những đồng tiền này.

Các yếu tố phân tích cơ bản trong forex

Trong thị trường forex, những yếu tố tác động đến thị trường có thể xuất phát từ các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị và có các mức độ tác động mạnh yếu khác nhau, theo các hướng khác nhau. Đối với thị trường chứng khoán, khi phân tích cơ bản thì có thêm các yếu tố vi mô, tức các điều kiện kinh doanh nội tại của doanh nghiệp.

Các yếu tố chính và thường xuyên tác động đến thị trường forex bao gồm các thông tin liên quan đến kinh tế như: Lãi suất, lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng GDP, cán cân thương mại, mức độ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, mức tiêu dùng của người dân….

Các yếu tố chính trị và xã hội là bầu cử tổng thống, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh….

Ảnh hưởng của Các yếu tố kinh tế đến thị trường forex

Có rất nhiều yếu tố kinh tế tác động đến giá trị đồng tiền của một quốc gia. Trên thực tế, không thể phân tích đơn lẻ sự tác động của một yếu tố nào đó, mà phải đặt nó trong bối cảnh tổng thể của nền kinh tế.

Chính phủ và Ngân hàng Trung ương sẽ phải phối hợp sử dụng các công cụ của mình để điều hành mềm dẻo nhằm đảo bảo các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế. Không thể lúc nào cũng đảm bảo được các chỉ số vĩ mô hoàn hảo. Đôi khi phải hy sinh một vài chỉ số nào đó trong một giai đoạn nhất định để có lựa chọn tối ưu nhất cho sự ổn định và phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế. Vì vậy, người phân tích cơ bản phải có cái nhìn mềm dẻo trong từng tình huống cụ thể mới có thể đưa ra những phán đoán chính xác liên quan đến những biến động trên thị trường forex.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng, các nhân tố được trình bày và giải thích dưới đây chỉ mang tính diễn giải đơn lẻ và ở mức diễn giải cơ bản nhất. Nhà đầu tư khi phân tích cơ bản thị trường forex thì phải đặt vào một bối cảnh kinh tế cụ thể với đầy đủ các yếu tố của nó để đưa ra nhận định của mình.

Lãi suất

Có thể nói, lãi suất là yếu tố có tác dụng tức thì và mạnh nhất đến giá trị tiền tệ của một quốc gia. Có nhiều loại lãi suất, nhưng cái chính mà người phân tích cơ bản cần quan tâm là lãi suất chiếu khấu. Đây là lãi suất của ngân hàng Trung ương cho các ngân hàng thương mại vay để đảm bảo thanh khoản trong trường hợp khách hàng rút tiền gửi quá nhiều.

Khi lãi suất chiếu khấu giảm, các ngân hàng thương mại sẽ giảm tỷ lệ dự  trữ bắt buộc và cho khách hàng vay nhiều hơn. Do đó, tiền được bơm ra thị trường tăng sẽ làm giảm giá trị đồng nội tệ so với ngoại tệ.

Hơn nữa, khi lãi suất chiết khấu giảm thì các ngân hàng thương mại cũng có nhiều dư địa hơn để giảm cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động khiến người dân và doanh nghiệp gửi tiền tiết kiệm ít hơn. Họ sẽ dùng số tiền đó để chi tiêu và đầu tư nhiều hơn khiến đồng nội tệ trên thị trường nhiều làm nó giảm giá trị so với ngoại tệ.

Diễn biến ngược lại trong trường hợp ngân hàng Trung ương tăng lãi suất chiết khấu.

Các nhà đầu tư forex theo trường phái Phân tích cơ bản sẽ phải đặc biệt quan tâm đến động thái tăng giảm lãi suất của Fed (Ngân hàng Trung ương Mỹ), vì đồng USD có tỷ trọng giao dịch nhiều nhất trên thị trường; và những hành động của Fed sẽ có ảnh hưởng đến quyết định của Ngân hàng Trung ương của hầu hết các nước trên thế giới.

Lạm phát

Thông thường thì các Chính phủ luôn chủ động chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhưng khi lạm phát quá cao thì có nghĩa là đồng nội tệ đang bị mất giá trị so với hàng hóa trong nước, và thường là nó cũng bị mất giá trị so với các ngoại tệ khác.

Tuy nhiên, khi báo cáo về lạm phát có xu hướng tăng thì các Ngân hàng Trung ương có nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất nhằm kéo lạm phát xuống, điều này lại làm cho giá trị nội tệ tăng so với các ngoại tệ khác. Điển hình cho trường hợp này là chính sách lãi suất của Mỹ từ nửa cuối này 2022 đến nay (tháng 6.2023). Do lạm phát tăng cao khiến Fed liên tục tăng lãi suất, điều này đã hút đồng usd về Mỹ và chảy vào các ngân hàng Mỹ khiến đồng usd trên thế giới khan hiếm hơn và tăng giá mạnh so với các hầu hết các đồng tiền khác.

Như vậy, trong trường hợp này, lãi suất, lạm phát và tỷ giá có quan hệ vô cùng chặt chẽ với nhau. Nó yêu cầu người phân tích cơ bản trong thị trường forex phải có cái nhìn tổng thể và tư duy cân bằng động để nhận định chính xác tình hình.

Tỷ lệ thất nghiệp

Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng thường là do sản xuất bị suy giảm, nghĩa là sức mạnh nền kinh tế suy giảm khiến đồng nội tệ bị yếu đi. Tuy nhiên khi tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ kích thích ngân hàng trung ương giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế. Lãi suất giảm lại làm cho giá trị nội tệ tăng.

Một lần nữa, chúng ta thấy rõ là không thể phân tích cơ bản dựa trên một yếu tố đơn nhất. Các trader forex phải có cái nhìn cân bằng động trong tổng thể nền kinh tế. Không chỉ dựa vào một hay hai chỉ số, mà còn dựa vào nhiều chỉ số và diễn biến trong bối cảnh cụ thể của nền kinh tế để đưa ra nhận định.

Tăng trưởng GDP

Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt thì nhu cầu tiền cho đầu tư, tiêu dùng … cao hơn dẫn đến đồng tiền tăng giá. Đồng thời nền kinh tế tạo ra nhiều hàng hóa hơn để xuất khẩu thu về ngoại tệ. Ngoại tệ dồi dào sẽ khiến đồng nội tệ tăng giá…

Ngược lại khi kinh tế tăng trưởng kém sẽ làm giảm giá trị nội tệ. Hơn thế nữa, khi đó, các ngân hàng trung ương sẽ có xu hướng giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Lãi suất giảm khiến đồng nội tệ giảm.

Sự ảnh hưởng của tình hình chính trị – xã hội đến thị trường forex

Các yếu tố chính trị và xã hội mặc dù không xảy ra thường xuyên, nhưng một khi đã xảy ra thì nó cũng có tác động không nhỏ đến thị trường forex. Đó là bầu cử tổng thống, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh….

Cũng giống như các yếu tố kinh tế, chúng ta không thể phân tích cơ bản đơn lẻ sự tác động của một yếu tố chính trị xã hội nào đó, mà cần phân tích nó trong trạng thái động gắn với những tin tức và biến cố khác liên quan.

Thảm họa kép động đất sóng thần Nhật Bản năm 2011

Phan-tich-co-ban-forex-ty-gia-usdjpy-nam-2011

Diễn biến tỷ giá usdjpy khi có thảm họa động đất – sóng thần – hat nhân năm 2011

Ví dụ thảm họa động đất sóng thần của Nhật bản ngày 11 tháng 3 năm 2011. Khi nó bất ngờ xảy ra đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng vật chất của Nhật và những hệ lụy xã hội. Điều này sẽ làm kinh tế Nhật bị suy giảm, khiến cho đồng Yên Nhật ngay lập tức bị sụt giảm mạnh khi có tin về thảm họa. Tuy nhiên chỉ sau đó vài ngày, các công ty Nhật từ khắp nơi trên thế giới đã chuyển ngoại tệ từ ngước ngoài về để hỗ trợ đất nước khiến cho đồng Yên tăng giá mạnh trở lại vào ngày18 tháng 3 năm 2011.

Dịch bệnh Covid 19

Có thể nói, Covid 19 là một trong những dịch bệnh có ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội trên toàn thế giới nghiêm trọng nhất trong hàng trăm năm qua. Nó không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia, mà ảnh hưởng đến tất cả các nước trên thế giới. Khi dịch bệnh xảy ra, mỗi Chính phủ có các phản ứng khác nhau. Ngân hàng Trung ương mỗi nước cũng có cách phản ứng khác nhau.

Điểm nổi bật là ban đầu hầu hết các nước đều tung tiền ra để cứu nền kinh tế và cứu trợ xã hội. Hành động này khiến tiền bị mất giá, lạm phát tăng, dẫn đến bất động sản, vàng và các loại tiền ảo như Bitcoin tăng phi mã.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022, do lo ngại lạm phát nên Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất khiến cho đồng đô la từ khắp nơi trên thế giới chảy về gửi vào các ngân hàng của Mỹ. Quá trình này khiến usd trở nên khan hiếm trên thị trường và tăng giá trị. Đồng tiền của hầu hết các nước bị mất giá so với usd khiến cho ngân hàng trung ương của hầu hết các quốc gia tăng lãi suất theo để giữ giá đồng nội tệ của họ.

Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng đủ nguồn lực đu theo Fed và chính sách của mỗi Ngân hàng trung ương của các quốc gia là khác nhau, tùy vào những suy tính và các cân đối với những chỉ số vĩ mô khác ở nước họ. Điều này khiến mức tăng giảm giá trị các đồng tiền của mỗi quốc gia so với usd là khác nhau. Điển hình là chính sách giữ nguyên lãi suất của BOJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản) khiến cho đồng Yên nhật giảm giá mạnh so với usd.

Chiến tranh Nga – Ucraina

Một ví dụ khác là chiến tranh Nga – Ucraina. Lúc mới bắt đầu chiến dịch vào tháng 2 năm 2022, các nước phương Tây đã tung ra các gói trừng phạt khiến nền kinh tế và cả hệ thống tài chính của Nga bị tê liệt và đồng Rup của Nga bị mất giá nghiêm trọng. Nhưng ngay sau đó, Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh yêu cầu các nước mua dầu và khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng Rup thay vì USD hay EUR như trước đây. Hành động này khiến nhu cầu về đồng Rup tăng cao và giúp cho giá đồng Rup bật tăng trở lại ngang mức ban đầu.

Bầu cử Thủ tướng Anh năm 2022

Phan-tich-co-ban-forex-ty-gia-gbpusd-nam-2022

Tỷ giá GBPUSD giai đoạn bầu cử Thủ tướng Anh

Nếu bạn muốn có một ví dụ về sự ảnh hưởng của Chính trị đến tỷ giá tiền tệ thì hãy xem lại cuộc bầu cử Thủ tướng ở Anh năm 2022.

Ban đầu Ngoại trưởng Anh là bà Liz Truss đắc cử chức Thủ tướng. Sau đó, bà Truss đã công bố các chính sách tài chính của mình. Ngay lập tức, thị trường ngoại forex có phản ứng với chính sách của chính trị gia này khiến đồng bảng Anh rớt giá thê thảm. Các nhà đầu tư và người dân chỉ trích bà Truss không thương tiếc khiến Thủ tướng không thể chịu được áp lực nên đã phải từ chức. Sau đó nước Anh bầu lại Thủ tướng mới là ông Rishi Sunak với những chính sách tài chính hợp lý hơn đã được công chúng ủng hộ. Ngay sau đó thì giá trị đồng GBP tăng giá trở lại.

Nguồn thông tin để phân tích cơ bản trong forex

Đối với các thông tin liên quan đến Chính trị – xã hội – và các sự kiến bất ngờ thì bạn có thể xem trên ti vi và báo chí đại chúng.

Tuy nhiên, trong thị trường forex thì nhà đầu tư thường quan tâm đến các thông tin liên quan đến kinh tế, vì nó thường xuyên được công bố và tác động đến tỷ giá tiền tệ.

Có một công cụ mà tất cả những nhà đầu tư forex theo trường phái cơ bản đều phải biết khi phân tích tích thị trường đó là Lịch kinh tế. Đây là bảng dữ liệu và lịch công bố thông tin kinh tế của hầu hết các nước có đồng tiền giao dịch thường xuyên trên thị trường ngoại hối. Thông tin kinh tế của các quốc gia cần quan tâm chủ yếu la Mỹ, Châu Âu, Anh, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Úc.

Giới thiệu Lịch kinh tế trong Phân tích cơ bản forex

Trong lịch kinh tế có chứa dữ liệu kinh tế trong quá khứ, kỳ vọng trong tương lai và kết quả thực tế của các quốc gia cần quan tâm.

Các thông tin quan trọng trong lịch kinh tế là: lãi suất, lạm phát, thất nghiệp, GDP, chỉ số PMI, tin Nonfarm, cán cân thương mại, doanh số bán lẻ….. Mức độ quan trọng của các thông tin được đánh dấu bằng các màu đỏ, vàng và xám. Khi nhấn vào các dòng thông tin chỉ số đó nó sẽ hiện ra những giải thích về chỉ số và hướng tác động….

Ví dụ, hãy xem một đoạn trong Lịch kinh tế lấy từ trang FX24.net. Tại đây có cả phiên bản Tiếng Anh và Tiếng Việt.

Lich-kinh-te-Cong-cu-phan-tich-co-ban-trong-forex

Lịch kinh tế – Công cụ quan trọng trong Phân tích cơ bản thị trường forex

Bạn có thể truy cập trực tiếp vào Lịch kinh tế theo đường link sau: Lịch kinh tế.

Để biết cách xem và ứng dụng Lịch kinh tế trong Phân tích cơ bản forex, mời bạn đọc bài dưới đây:

Nên sử dụng Phân tích cơ bản hay Phân tích kỹ thuật để chơi forex?

Trong lý thuyết về Phân tích kỹ thuật người ta cho rằng, tất cả các thông tin trên thị trường đều được phản ánh vào giá. Điều đó có nghĩa là sự biến động của giá là sự tác động tổng hợp của những tin tức trên thị trường và cả tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư. Và những diễn biến giá đó được biểu hiện ra thành các mô hình giá và có thể dùng các chỉ báo kỹ thuật để soi sâu hơn vào những diễn biến đó. Vì vậy, trường phái Phân tích kỹ thuật cho rằng, các nhà đầu tư forex không cần thiết phải quan tâm đến các yếu tố cơ bản và không cần phải mất thời gian phân tích cơ bản làm gì cho mệt.

Trên thực tế, hầu hết các forex trader đều sử dụng Phân tích kỹ thuật để chơi forex. Một phần vì họ tin vào những lý lẽ của Phân tích kỹ thuật, nhưng không thể phủ nhận một lý do nữa là Phân tích cơ bản quá khó, quá phức tạp và có quá nhiều yếu tố cơ bản tác động đến thị trường. Thậm chí ngay cả những người chuyên phân tích cơ bản cũng có thể đưa ra những diễn giải và dự đoán hướng tác động khác nhau của một thông tin cơ bản nào đó.

Tuy nhiên hầu hết các chuyên gia và những nhà đầu tư có tổ chức đều sử dụng cả Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật để ra quyết định giao dịch.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu bạn đầu tư theo trend dài hạn thì nên kết hợp cả Phân tích cơ bản và kỹ thuật. Đặc biệt nếu bạn đầu tư vào thị trường chứng khoán thì Phân tích cơ bản là bắt buộc cần thiết để lựa chọn được cổ phiếu tốt. Nhưng nếu bạn chỉ là trader lướt sóng ngắn trên thị trường forex thì Phân tích cơ bản là không cần thiết và khi đó bạn chỉ cần sử dụng thuần túy Phân tích kỹ thuật để trade forex.

Chúc các bạn thành công!


Bạn vừa đọc bài: “Phân tích cơ bản trong forex là gì?

Tham khảo thêm

Đừng quên chia sẻ bài viết này bạn nhé
fb-share-icon

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial