Một trong những phương pháp phố biến nhất để phân tích giá trên thị trường tài chính là phân tích kỹ thuật. Vậy Phân tích kỹ thuật là gì? Ứng dụng như thế nào? Bài viết này sẽ trình bày một cách tổng quan nhất để các bạn tìm hiểu.
Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật là việc sử dụng các mẫu hình giá trong quá khứ và các chỉ báo… để phân tích và dự đoán những diễn biến giá cả của một loại hàng hóa (cổ phiểu, cặp tiền tệ, vàng, bạc, dầu,….) trong tương lai nhằm phục vụ cho việc đầu tư kiếm lời.
Ngoài việc sử dụng các mẫu hình và chỉ báo, các nhà phân tích kỹ thuật còn dùng công cụ kẻ vẽ để xác định xu hướng một cách trực quan, hoặc dùng các công cụ mang tính thần bí như Fibonacci…
Song song với các công cụ trên, người ta thường kết hợp chúng với các mức hỗ trợ và kháng cự để ra quyết định mua bán.
Phân tích kỹ thuật thường được áp dụng trên thị trường chứng khoán và forex. Các loại hàng hóa được áp dụng là cổ phiếu, tiền tệ, vàng, dầu, kim loại, chỉ số chứng khoán, tiền ảo…
Giá được biểu diễn dưới dạng các đồ thị giá. Các đồ thị có 3 loại là đồ thị đường (line), đồ thị thanh (bar) và đồ thị nến (Candle). Trong đó thì đồ thị hình nến được sử dụng phổ biến.
Tham khảo thêm:
Đồ thị dạng nến
Đồ thị hình nến được chia làm nhiều khung thời gian như: Khung 1 phút, khung 5 phút, 15 phút, 1 giờ, 4 giờ, ngày, tuần, tháng.
Ví dụ khung 1 giờ thì cứ mỗi giờ được biểu diễn bằng một cây nến. Mỗi cây nến bao gồm các thông tin về giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất và giá đóng cửa. Xem hình dưới.
Đồ thị dạng hình nến, khung thời gian ngày (Daily)
- Xem thêm: Tìm hiểu về Mô hình nến Nhật Bản
Nền tảng – Các nguyên lý cơ bản của phân tích kỹ thuật
Nền tảng của phân tích kỹ thuật được hình thành khởi nguồn từ Lý thuyết Dow. Đây là lý thuyết về sự dịch chuyển của giá cả thị trường được viết bởi một nhà đầu tư sống ở thế kỷ 18 có tên là Charles Dow. Lý thuyết Dow đưa ra 6 nguyên lý căn bản về sự dịch chuyển của giá. Hai lý luận quan trong nhất đó là:
- Giá cả thị trường phản ánh mọi yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá của hàng hóa.
- Sự di chuyển của giá không phải là sự ngẫu nhiên thuần túy. Nó di chuyển trong những xu hướng qua các giai đoạn khác nhau và được lặp đi lặp lại qua thời gian. Các xu hướng được củng cố bởi khối lượng giao dịch.
Xem đầy đủ: 6 nguyên lý căn bản trong lý thuyết Dow
Đặc điểm của phân tích kỹ thuật
- Phân tích kỹ thuật không quan tâm đến giá trị nội tại của hàng hóa phân tích. Nó chỉ tập trung vào những diễn biến giá trong quá khứ để dự báo giá tương lai.
- Các phương pháp phân tích kỹ thuật áp dụng giống nhau cho mọi hàng hóa. Nó không phân biệt hàng hóa trong lĩnh vực nào.
- Cách phân tích các dấu hiệu giá là giống nhau cho mọi khung thời gian.
- Phân tích kỹ thuật có độ trễ nhất định, vì nó dựa vào dữ liệu giá trong quá khứ.
- Phân tích kỹ thuật chủ yếu phục vụ cho mục đích đầu cơ hơn là đầu tư. Xem: Đầu cơ là gì?
- Cũng giống như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật luôn có những sai số nhất định. Mọi dự đoán chỉ là tương đối.
Các mẫu hình trong phân tích kỹ thuật
Do diễn biến tâm lý của các nhà đầu tư khi giao dịch là giống nhau nên đã tạo ra các phản ứng giống nhau trên thị trường.
Những phản ứng mang tính tâm lý của con người là không thay đổi theo thời gian. Nó bị tác động bởi lòng tham và nỗi sợ hãi. Chính vì vậy mà qua nhiều năm tháng, nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ, người ta vẫn thấy các phản ứng như thế lặp lại trên thị trường. Dựa vào đó, các nhà phân tích kỹ thuật đã đúc kết lại thành các mẫu hình giá và lợi dụng nó để giao dịch kiếm lời.
Đôi khi các mẫu hình cũng phản ảnh sự tác động của các tay chơi lớn làm di chuyển giá theo những dấu hiệu nhất định như mẫu hình Pin bar, Fakey….
Đôi khi các mẫu hình lại phản ánh dấu hiệu tác động của tin tức.
Tham khảo các bài viết liên quan đến các mô hình giá:
Các chỉ báo kỹ thuật cơ bản
Hầu như tất cả các chỉ báo kỹ thuật đều được chế tạo ra từ dữ liệu của giá. Các dữ liệu đó bao gồm: Giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất và giá đóng cửa. Ngoài ra có một số chỉ báo sử dụng thêm dữ liệu về khối lượng giao dịch để phân tích.
Mục đích của những chỉ báo là nhìn sâu vào những dấu hiệu nhỏ nhất trong giá để suy đoán tâm lý và các quyết định tiếp theo của đa số các nhà đầu tư tham gia thị trường. Đồng thời nhìn nhận sự di chuyển của giá theo nhiều góc độ khác nhau để đánh giá hướng đi tiếp theo của nó. Ngày nay các chỉ báo như vậy vẫn liên tục được người ta chế tạo ra để ứng dụng. Có hàng ngàn các chỉ số như vậy.
Xem: Các chỉ báo kỹ thuật cơ bản và phổ biến
Các chỉ báo kỹ thuật thường được chia làm hai nhóm chủ yếu:
- Các chỉ báo về xu hướng. Ví dụ như ADX, Moving Average, Ichimoku, Bollinger Bands…….
- Các chỉ báo giao động đo sức mạnh của xu hướng. Ví dụ như RSI, MACD, Stochastic, ……
Trong hàng ngàn các chỉ báo kỹ thuật thì các chỉ báo trên hay được các trader dùng nhiều nhất.
Làm thế nào để sử dụng các chỉ báo này?
Trong các phần mềm giao dịch forex và chứng khoán ngày nay, người ta đều tích hợp rất nhiều chỉ báo trong đó.
Đối với forex, bạn có thể tìm thấy nó trong các phần mềm MT4 và MT5. Có hai cách để gọi các chỉ báo này ra trong các phần mềm này.
- Cách 1: Vào Insert –> Indicators rồi chọn loại chỉ báo mà bạn muốn dùng. Trong phần Indicators, có hai nhóm chỉ báo thường dùng nhất là: Nhóm chỉ báo xu hướng (Trend) và nhóm chỉ báo giao động (Oscillators).
- Cách 2: Trong giao diện chính của MT4 hoặc MT5, bạn nhấn trực tiếp vào biểu tượng chữ f có dấu “+” màu xanh để gọi các chỉ số mà bạn cần.
Ví dụ về màn hình phân tích kỹ thuật
Dưới đây là hình ảnh về một màn hình phân tích kỹ thuật trong phần mềm MT4. Trong đó, các chỉ báo được sử dụng gồm: Chỉ báo RSI, MACD, Stochastic và Bollinger Bands. Giá được biểu diễn dưới dạng đồ thị hình nến.
Hình ảnh được chụp từ phần mềm MT4 của sàn IC Markets.
Lưu ý khi sử dụng phân tích kỹ thuật
Dù là phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật thì mọi dự đoán cũng chỉ là tương đối. Không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn diễn biến của giá trong tương lai. Vì xét cho cùng, sự thay đổi của giá là do sự tác động tổng hòa của hàng ngàn, thậm chí hàng triệu các nhà đầu tư trên thế giới. Mỗi nhà đầu tư sẽ dựa trên các yếu tố khác nhau để đánh giá thị trường. Thậm chí có cùng các yếu tố, phương pháp, nhưng mỗi người cũng sẽ có cách phân tích, đánh giá khác nhau để đưa ra quyết định riêng của mình.
Không ai có thể tổng hợp được thông tin một cách đầy đủ nhất để dự đoán một cách chính xác tuyệt đối. Do vậy bạn đừng bao giờ quá tin tưởng vào một mẫu hình hay một tình huống phân tích nào mà mình cho là chắc chắn đúng. Hầu hết những cú thua đau trên thị trường forex và chứng khoán là do người ta qúa tin tưởng vào nhận định chủ quan của mình.
Một lần nữa tôi muốn nhắn nhủ bạn, đừng bao giờ quá tin tưởng vào một cái gì đó. Hãy luôn có phương pháp quản lý vốn an toàn để bảo vệ tài khoản của mình. Hãy nhớ: Mọi khả năng đều có thể xảy ra!
Tác giả: Phạm Khương